Đảm bảo an ninh lương thực trong tình hình mới
Viện nghiên cứu Lúa gạo quốc tế vừa ra cảnh báo cuộc khủng hoảng gạo năm 2008 có thể tái diễn. Đầu năm nay, Tổ chức Nông Lương LHQ cũng nhận định, giá lương thực có thể tăng từ 10-20% do mất mùa và giảm sút các nguồn dự trữ toàn cầu.
Trao đổi về vấn đề sản xuất, dự trữ, xuất khẩu lúa gạo hiện nay và các biện pháp đảm bảo anh ninh lượng thực của Việt Nam, ông Trần Bá Hoàn, Tổng giám đốc Tổng công ty Lương thực miền Bắc cho rằng, Việt Nam cần giải quyết tốt bài toán vừa bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia, vừa tận dụng thời cơ để xuất khẩu đạt hiệu quả cao nhất.
Đảm bảo sản xuất, dự trữ gạo toàn quốc
Theo ông Trần Bá Hoàn, trong bối cảnh hội nhập quốc tế của nước ta ngày càng sâu, rộng, nhất là đối với mặt hàng gạo, mọi diễn biến trên thị trường thế giới đều có tác động đến sản xuất, dự trữ và xuất khẩu gạo của Việt Nam.
Trước những cảnh báo trên, chúng ta cần hết sức quan tâm đẩy mạnh sản xuất lúa gạo với mục tiêu tăng 1 triệu tấn lúa mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề ra cho năm 2011, đồng thời tăng số lượng lúa gạo dự trữ quốc gia hợp lý và điều hành xuất khẩu gạo một cách linh hoạt.
Ông Hoàn cũng cho biết với sản lượng lúa gạo sản xuất vụ Đông Xuân vừa qua, bắt đầu thu hoạch vụ Hè Thu ở các tỉnh phía Nam và sản lượng dự tính đang chuẩn bị thu hoạch vụ Đông Xuân ở phía Bắc, có thể khẳng định rằng Việt Nam sẽ đảm bảo vững chắc về lương thực cho tiêu dùng trong nước và cân đối đủ nguồn hàng xuất khẩu theo kế hoạch đã được định hướng từ đầu năm 2011 của Chính phủ.
Rút kinh nghiệm từ cuộc khủng hoảng lúa gạo thế giới năm 2008, Việt Nam cần chủ động đẩy nhanh tiến độ xây dựng các kho tạm trữ lúa cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, tiếp tục xây dựng các cơ sở chế biến-dự trữ-xuất khẩu gạo quy mô lớn tại các tỉnh trọng điểm lúa và cần tổ chức thực hiện việc cho nông dân gửi thóc, không phải bán lúa ngay khi thu hoạch; đảm bảo người nông dân sản xuất lúa có lãi hợp lý để yên tâm tiếp tục đầu tư sản xuất.
Một biện pháp nữa đó là tăng cường dự trữ lương thực cả ở cấp quốc gia và doanh nghiệp, bố trí dự trữ tại các địa bàn trọng điểm để kịp thời dập tắt những “cơn sốt”, những đột biến về giá lương thực trên thị trường nội địa.
Trong đó, cần đặc biệt chú ý địa bàn miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa. Ngoài chính sách trợ giá, trợ cước cho các mặt hàng thiết yếu, cần thiết phải có cơ số lương thực dự trữ bắt buộc, đặt ở các địa điểm thuận lợi, đề phòng thiên tai, lũ lụt làm tắc nghẽn giao thông.
Bên cạnh đó cần nâng cao hiệu quả công tác dự báo thị trường lương thực làm căn cứ để điều hành sản xuất, phân phối, lưu thông bình ổn giá lương thực, bảo đảm lợi ích hợp lý cho người trồng lúa, doanh nghiệp và Nhà nước
Áp dụng tiến bộ kỹ thuật
|
Ông Trần Bá Hoàn, Tổng giám đốc Tổng công ty Lương thực miền Bắc. - Ảnh: Chinhphu.vn
|
Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cảnh báo về việc đất nông nghiệp đang bị thu hẹp. Từ năm 2000-2005, diện tích đất lúa đã giảm nghiêm trọng với hơn 302.000ha. Riêng tại Đồng bằng sông Cửu Long, từ 2000-2007, đất lúa đã bị giảm 205.000ha (chiếm 57% so với toàn quốc).
Với thực tế này, ông Trần Bá Hoàn cho rằng cần điều chỉnh cơ cấu mùa vụ, cơ cấu giống và áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, phương pháp canh tác để tăng năng suất, sản lượng lúa gạo.
Bên cạnh đó, việc đổi mới cơ chế và cách thức điều hành xuất khẩu gạo theo hướng xác định rõ vai trò quản lý nhà nước của Chính phủ, các bộ ngành về chính sách thị trường và các cân đối vĩ mô, kiện toàn tổ chức và hoạt động của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) với vai trò là một tổ chức hiệp hội ngành hàng cũng hết sức quan trọng.
Theo thống kê, năm 2010 có 264 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu gạo, nhưng chỉ có trên 30 doanh nghiệp trực tiếp xuất khẩu gạo.
Để khắc phục tình trạng này, cần triển khai thực hiện triệt để, đồng bộ Nghị định 109/2010/NĐ-CP ngày 4/11/2010 của Chính phủ có hiệu lực từ đầu năm nay để củng cố tổ chức ngành hàng gạo, tăng sức cạnh tranh của các doanh nghiệp xuất khẩu gạo, từ đó chất lượng và số lượng gạo xuất khẩu sẽ được nâng lên.
Ông Trần Bá Hoàn cũng cho rằng, các Tổng công ty Lương thực cần phải tăng cường dự trữ kinh doanh, vừa chủ động nguồn hàng xuất khẩu, vừa can thiệp thị trường trong nước khi cần thiết.
Đỗ Hương - (Chính phủ)
Các tin khác