Đồng bằng sông Cửu Long: Dự báo lạc quan xuất khẩu gạo và trái cây

Mặc dù điệp khúc "trúng mùa rớt giá" vẫn thường xuyên xảy ra đối với nhiều loại trái cây ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian qua, nhưng ông Nguyễn Phương Lam, Phó Giám đốc Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ (VCCI Cần Thơ) vẫn lạc quan đưa ra dự báo, trong vài năm tới, kim ngạch xuất khẩu trái cây vùng Đồng bằng sông Cửu Long sẽ tăng mạnh với tiềm năng rất lớn để xuất khẩu.

 

Theo ông Lam, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đang có thế mạnh đặc biệt về trái cây so với các vùng khác trong cả nước. Hiện vùng cây ăn trái của khu vực này chiếm khoảng 38% về diện tích và 44% về sản lượng của cả nước. Toàn vùng hiện có khoảng 288.000 ha cây ăn trái các loại, sản lượng đạt khoảng 3,5 triệu tấn/năm, phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. 
 
Cũng theo đánh giá của VCCI Cần Thơ, năm 2015 là năm đánh dấu quá trình hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, với nhiều hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam - Hàn Quốc, Việt Nam - EU, Việt Nam - Nga, Cộng đồng kinh tế Asean... Đặc biệt là việc hoàn tất đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng thị trường và tận dụng các ưu đãi. 
 
Với quá trình hội nhập sâu rộng, ngành trái cây khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cũng đứng trước cơ hội thâm nhập sâu, rộng vào các thị trường thế giới và được dự báo đạt kim ngạch xuất khẩu tăng cao với tiềm năng xuất khẩu lớn trong thời gian tới. 
 
Mặc dù vậy, ông Lam cũng chỉ ra các yếu điểm của ngành trái cây vùng Đồng bằng sông Cửu Long hiện nay, đó chính là doanh nghiệp chưa liên kết chặt với nông dân trong tổ chức sản xuất và tiêu thụ. Nếu yếu điểm này được tháo gỡ, ngành trái cây khu vực sẽ phát triển bền vững và đáp ứng các tiêu chuẩn về xuất khẩu sang các thị trường khó tính. 
 
Theo thống kê chưa đầy đủ của Viện Cây ăn quả miền Nam, khoảng 85% sản lượng trái cây sản xuất trong nước chỉ được tiêu thụ nội địa. Nhiều loại trái cây chủ lực chưa xuất khẩu được nhưng phải cạnh tranh gay gắt với trái cây nhập khẩu từ Mỹ, Australia, Nhật Bản... 
 
Riêng về mặt hàng lúa gạo, theo VCCI Cần Thơ, mặc dù đầu năm 2015, tình hình xuất khẩu gặp khó, các thị trường nhập khẩu châu Á bị thu hẹp, doanh nghiệp chủ yếu xuất khẩu sang châu Phi. Song ngược lại, xuất khẩu gạo những tháng cuối năm có chuyển biến tích cực và gia tăng nhờ một số yếu tố thuận lợi. Hiện lượng gạo tồn kho không còn nhiều như các năm trước. Theo tính toán, năm 2015 kim ngạch gạo xuất khẩu của vùng Đồng bằng sông Cửu Long đạt 2,37 tỷ USD. 
 
Nếu xuất khẩu gạo thuận lợi, trái cây xuất khẩu được dự báo sẽ tăng mạnh thì ngành nông nghiệp khu vực này đang đứng trước cơ hội thu hút đầu tư rất lớn từ các doanh nghiệp Nhật Bản. Theo VCCI Cần Thơ, Nhật Bản hiện là quốc gia có ngành nông nghiệp tiên tiến và phát triển mạnh mẽ với công nghệ, máy móc thiết bị hiện đại. Thời gian qua, Đồng bằng sông Cửu Long đã kêu gọi đầu tư từ Nhật Bản vào lĩnh vực nông nghiệp theo hướng quản trị và công nghệ. 
 
Ông Nguyễn Văn Nguyên, Phó Vụ trưởng, Vụ Kinh tế, Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, cho biết trong năm 2016, nền kinh tế nói chung và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng sẽ có nhiều thuận lợi từ các hiệp định mới hình thành, đang ký kết, sẽ mở ra cơ hội lớn nhất trong xuất khẩu nông, thuỷ sản và giải quyết thị trường lao động việc làm cho khu vực. Tuy nhiên, cũng đem tới nhiều thách thức đối với cộng đồng doanh nghiệp hoạt động trong ngành nông nghiệp và phát triển thị trường, đòi hỏi khả năng cạnh tranh cao ngay ở thị trường nội địa và trên trường quốc tế. 
 
Để ngành nông nghiệp khu vực Đồng bằng sông Cửu Long vượt qua khó khăn, hội nhập sâu, toàn diện, ông Nguyên cho rằng, cộng đồng doanh nghiệp cần nỗ lực nhiều hơn để vươn lên, các nhà quản lý phải nắm bắt cơ hội, phải trang bị những kiến thức sâu rộng và am hiểu luật lệ quốc tế, am hiểu thị trường... Các địa phương và doanh nghiệp trong vùng cũng cần phải được hỗ trợ, xúc tiến đầu tư, định hướng, quy hoạch và phát triển phù hợp với nhu cầu thị trường và xu thế hội nhập; cung cấp thông tin cho cộng đồng doanh nghiệp về thị trường quốc tế và trong nước. 
 
Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long hiện là vùng kinh tế quan trọng có đóng góp lớn cho xuất khẩu và tăng trưởng chung của đất nước. Năm 2015, tốc độ tăng trưởng của vùng đạt 7,8%, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 13 tỷ USD. Hiện khu vực này đang tập trung thu hút đầu tư vào 3 trục chính gồm: Phú Quốc (Kiên Giang) phát triển lĩnh vực du lịch; Cần Thơ trung tâm kinh tế, văn hoá, chính trị, xã hội của vùng và khu vực giáp Thành phố Hồ Chí Minh gồm: Long An, Tiền Giang đến Trà Vinh. 
 
Theo VCCI Cần Thơ, thời gian tới vùng Đồng bằng sông Cửu Long sẽ thúc đẩy hình thành các ngành kinh doanh mới trong khu vực công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, chế biến, logistics..., đây là những ngành phát triển trong tương lai và tạo sức bật cho khu vực. Đặc biệt, các tỉnh, thành trong vùng cũng đứng trước cơ hội lớn để thu hút đầu tư công nghệ cao từ các nước tiên tiến vào lĩnh vực nông nghiệp, để giúp ngành nông nghiệp khu vực phát triển theo đúng với tiền năng và lợi thế vốn có./.

 

Theo TTXVN.

Các tin khác

Giá cả thị trường

 

 BẢN TIN GIÁ GẠO 

Ngày 19/09/2016

 

 

* Nguồn: Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; Oryza.com

 

* Tổng hợp: Tổ Quản lý Website - Tổng công ty Lương thực Miền Bắc 

 

* Số liệu mang tính chất tham khảo. Tổng công ty

Lương thực Miền Bắc không chịu trách nhiệm liên

quan đến việc các tổ chức/ cá nhân trích dẫn, sử

dụng thông tin đăng tải để dùng vào các mục đích

kinh doanh thương mai.

Lượt truy cập: 5240022
Đặt làm trang chủLên đầu trang