CHIẾN LƯỢC - TẦM NHÌN

TỔNG CÔNG TY LƯƠNG THỰC MIỀN BẮC

 

Bối cảnh

 

Từ sau năm 2010 dự báo tình hình kinh tế Việt Nam vẫn còn gặp phải những khó khăn do hậu quả của suy thoái kinh tế, tài chính những năm 2008-2009. Chỉ số cạnh tranh của nền kinh tế nói chung và năng lực nội tại của các doanh nghiệp còn ở mức thấp. Tình hình thiên tai, dịch bệnh trong nước có nhiều diễn biến phức tạp. Sản lượng lúa gạo sản xuất trong nước có xu hướng ổn định và giảm dần vì những nguyên nhân: diện tích lúa giảm do phát triển công nghiệp, du lịch, dịch vụ, tác động của biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, chi phí sản xuất lúa gạo ngày càng cao, trong khi giá gạo thế giới có xu hướng ổn định.

 

Từ năm 2010 nhiều cam kết gia nhập WTO đến thời hạn thực thi, nhất là cam kết về mở cửa lĩnh vực dịch vụ, tài chính, bán lẻ, tạo ra thách thức không nhỏ đối với các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và Tổng công ty Lương thực miền Bắc nói riêng.

 

Ngày 25 tháng 9 năm 2009, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1544/QĐ-TTg về việc chuyển đổi hình thức hoạt động của Tổng công ty theo hình thức “công ty mẹ-công ty con”, trong đó Công ty mẹ -Tổng công ty Lương thực miền Bắc là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, các đơn vị thành viên sẽ trở thành các công ty con, công ty liên kết. Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ cũng đang giao cho Tổng công ty xây dựng phương án sáp nhập Tổng công ty Muối vào Tổng công ty Lương thực miền Bắc. Những sự thay đổi về tổ chức và hình thức hoạt động nêu trên sẽ có những tác động tích cực và những khó khăn ảnh hưởng đến hoạt động của Tổng công ty trong giai đoạn 2010-2020.

 

Chiến lược phát triển

 

Phấn đấu đến năm 2020 xây dựng Tổng công ty thành một tập đoàn sản xuất, chế biến kinh doanh xuất nhập khẩu lương thực, thực phẩm hàng đầu Việt Nam. Tập đoàn hoạt động đa ngành, đa lĩnh vực, đa sở hữu, trong phạm vi cả nước, trong đó, SXKD chế biến, XNK lương thực giữ vai trò chủ đạo. Tập đoàn bao gồm các Tổng công ty, công ty con, công ty liên kết, tự nguyện liên kết.

 

Đinh hướng phát triển các ngành hàng chủ lực

 

Kinh doanh lương thực vẫn tiếp tục là một ngành hàng chủ đạo, mang tính chiến lược, trong đó Công ty mẹ giữ vai trò chi phối trong việc tìm kiếm, mở mang thị trường xuất khẩu gạo. Các công ty con đóng vai trò chủ lực, trực tiếp trong việc liên kết đầu tư vùng sản xuất nguyên liệu; kinh doanh lương thực, nông sản nội địa, tập trung vào các mặt hàng có chất lượng cao, rõ nguồn gốc xuất xứ và tham gia cung ứng gạo xuất khẩu gạo cho Tổng công ty. Xác lập hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ thu mua, chế biến, kinh doanh, xuất khẩu gạo tại Đồng bằng sông Cửu Long để đưa vào vận hành hiệu quả, giúp Công ty mẹ và các công ty con chủ động trong thu mua, dự trữ, chế biến, xuất khẩu...

Đa dạng hóa ngành nghề, tập trung vào lĩnh vực chế biến lương thực, thực phẩm và chế biến các sản phẩm muối. Một số cơ sở chế biến hiện đại, công nghệ tiến tiến, mang tính tổng hợp, trên cơ sở đa dạng hóa mặt hàng ngoài gạo như: sản phẩm phụ của chế biến gạo; nuôi trồng, chế biến thủy sản (cá tra và các phụ phẩm); sản xuất, chế biến muối, phụ phẩm từ sản xuất muối.

 

Hệ thống kinh doanh thương mại, dịch vụ trong nước: tại Hà Nội, một số dự án lớn của Tổng công ty tại Lãng Yên, Đường Láng, Định Công, các dự án của các đơn vị thành viên Tổng công ty tại Hà Nội sẽ được hoàn thành đưa vào sử dụng. Mạng lưới siêu thị, trung tâm thương mại, dịch vụ, các kho dự trữ, phân phối và chuỗi các cửa hàng bán lẻ hiện đại tại hầu hết các thành phố lớn, thị xã các tỉnh phía Bắc được hoàn thành. Mỗi tỉnh có ít nhất một dự án quy mô tương đối lớn, hiện đại, đảm bảo văn minh thương mại được hoàn thành, đưa vào hoạt động.

 

Một số lĩnh vực mới bắt đầu hình thành và phát triển như đầu tư kinh doanh bất động sản, tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, khách sạn, các khu nghỉ dưỡng cao cấp...

 

Đầu tư

 

Thực hiện Chương trình kích cầu đầu tư, xây dựng kho chứa lương thực và cơ sở chế biến tại các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Tổng công ty đang chuẩn bị hoàn thành xây dựng Tổng kho chế biến và dự trữ gạo xuất khẩu tại huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp. Ngoài dự án này, Tổng công ty đang chuẩn bị các công việc cần thiết để triển khai đầu tư xây dựng thêm các Tổng kho mới với trang thiết bị, công nghệ hiện đại, sản phẩm đạt chất lượng cao tại An Giang, Kiên Giang và một số tỉnh khác ở Đồng bằng sông Cửu Long. Theo kế hoạch, trong hai năm 2010-2011, cùng với việc đầu tư xây dựng mới và nâng cấp hệ thống kho, cơ sở chế biến hiện có, Tổng công ty sẽ hoàn thành đưa tổng tích lượng kho chứa lương thực tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long lên 500 ngàn tấn.

 

Quy hoạch lại, lập các dự án đầu tư nâng cấp hệ thống kho chứa lương thực, tích lượng khoảng 100 ngàn tấn tại các tỉnh, thành phố phía Bắc như Hải Phòng, Hải Dương, Nghệ An... nhằm đảm bảo cung ứng kịp thời lương thực cho các tỉnh phía Bắc khi có thiên tai xảy ra. Triển khai lập dự án đầu tư tại Thái Bình, Nam Định, Thái Nguyên và tỉnh lỵ một số tỉnh lớn mỗi tỉnh một trung tâm thương mại tổng hợp, hiện đại với quy mô phù hợp.

 

Các công ty con, công ty liên kết tại các tỉnh, thành phố phía Bắc tiến hành cải tạo, nâng cấp hệ thống kho, cửa hàng lương thực hiện có nhằm nâng cấp hạ tầng phục vụ sản xuất, kinh doanh, chiếm lĩnh thị trường trong nước, thực hiện văn minh thương mại và góp phần đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.

 

Tại một số tỉnh Tây Nguyên, khảo sát nghiên cứu đầu tư xây dựng cụm kho có trang bị máy sấy để thu mua kinh doanh màu (ngô, sắn, nông sản khác), với công suất khoảng 60-100 ngàn tấn.

 

Thị trường

 

Chú trọng phát triển thị trường trong nước, tập trung vào các sản phẩm sạch, có chất lượng cao; tăng cường giới thiệu quảng bá, phát triển thương hiệu; tổ chức kinh doanh các mặt hàng nhập khẩu mà trong nước chưa sản xuất được một cách phù hợp, theo hướng “ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; thay đổi phương thức kinh doanh; thống nhất thương hiệu, nhãn hiệu hàng hoá VNF1 trong toàn Tổng công ty

 

Tiếp tục đa dạng hoá sản phẩm, củng cố, mở rộng hệ thống phân phối bán lẻ tại Hà Nội và các tỉnh phía Bắc. Đầu tư một số vùng lúa chất lượng cao nhằm nâng cao giá trị thương phẩm của thóc gạo, tăng sức cạnh tranh trên thị trường, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao của xã hội. Các công ty thành viên của Tổng công ty tại các địa bàn thành phố, khu công nghiệp tập trung, khu đông dân cư phía Bắc cùng Công ty cổ phần phân phối bán lẻ VNF1 nhanh chóng phát triển Hệ thống phân phối, bán lẻ của Tổng công ty có hiệu quả. Mục tiêu từ năm 2010 đến 2020, Tổng công ty trở thành một trong những nhà phân phối hàng đầu trong lĩnh vực lương thực, thực phẩm tại thị trường phía Bắc (từ Thừa Thiên Huế trở ra) và là nhà phân phối chiến lược cho các hàng sản xuất lớn, uy tín về mặt hàng lương thực thực phẩm. Thông qua chuỗi hệ thống sản xuất - phân phối - bán lẻ tạo ra một hệ thống phân phối hàng hoá chuyên nghiệp, liên hoàn, hiệu quả; đảm bảo an toàn thực phẩm. Tạo công ăn việc làm cho lực lượng lao động trong xã hội; góp phần phát triển thương hiệu và tăng trưởng bền vững của Tổng công ty.

 

Về thị trường nước ngoài, đẩy mạnh xúc tiến thương mại; xác định chiến lược, sách lược đối với các thị trường truyền thống để giữ vững; mở rộng liên kết trong nước, có cơ chế khuyến khích cụ thể. Nâng cao tính cạnh tranh về giá và chất lượng, xây dựng uy tín thương hiệu VNF1 trên thị trường quốc tế. Tăng cường việc tham gia hội nhập với các tổ chức lương thực quốc tế, các hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước, các diễn đàn quốc tế; phối hợp chặt chẽ với các thương vụ, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.

 

Đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và an sinh xã hội

 

Thường xuyên theo dõi, nắm bắt diễn biến cung cầu, giá cả lương thực trong nước, đặc biệt tại các tỉnh phía Bắc; phối hợp với chính quyền và các cơ quan trên địa bàn, nhất là các thành phố lớn, các khu công nghiệp, đô thị tập trung xây dựng phương án dự trữ lưu thông, sẵn sàng phối hợp cung ứng cho nhân dân khi có tình huống đột biến. Duy trì khối lượng lương thực dự trữ lưu thông khoảng 70-100 ngàn tấn gạo tại các tỉnh phía Bắc và phía Nam; có phương án cụ thể, sẵn sàng can thiệp thị trường khi cần thiết.

 

Thực hiện Chương trình hỗ trợ huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a/NQ-CP của Chính phủ, Tổng công ty được phân công hỗ trợ huyện nghèo Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình. Năm 2009, Tổng công ty đã hỗ trợ gần 18 tỷ đồng để xây dựng mới, cải tạo 680 ngôi nhà cho toàn bộ nhà tạm trong huyện. Giai đoạn 2010-2020 Tổng công ty sẽ căn cứ vào “Đề án phát triển kinh tế xã hội nhằm giảm nghèo nhanh và bền vững của huyện Minh Hóa” đã được UBND tỉnh Quảng Bình phê duyệt, thống nhất với địa phương tiếp tục có những hỗ trợ thiết thực đến tận người dân.

 

Ngoài ra, thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, Tổng công ty tiếp tục đẩy mạnh công tác hỗ trợ các quỹ đền ơn, đáp nghĩa, ủng hộ người nghèo, trợ cấp bão, lũ; phụng dưỡng bà mẹ Việt Nam anh hùng và đỡ đầu Trung tâm nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ em bị nhiễm chất độc màu da cam tại Hà Nội...

 

TỔNG CÔNG TY LƯƠNG THỰC MIỀN BẮC-(Vinafood1)
Lượt truy cập: 5293296
Đặt làm trang chủLên đầu trang